Chương 7-8
7 – Thuận buồm xuôi gió
Đoàn kịch diễn đến ngày thứ ba thì hết chương trình, tất cả mọi
người trong trấn đều tràn ngập vẻ tiếc nuối, vì thế mấy nhà giàu có trên trấn
thương lượng, góp tiền lại mời đoàn kịch ở lại thêm hai ngày.
Có cơ hội để bán hàng, Lưu Ngạn đương nhiên là đồng ý, trẻ nhỏ
được chơi, cũng rất hào hứng, người duy nhất có vẻ không vui chỉ có mỗi Lăng
Vân Đoan.Nhưng mà cái sự không vui của y cũng không kéo dài lâu.
“Tôi phải đi.”- Lăng Vân Đoan nhẹ giọng nói.
“A?” – Lưu Ngạn ngẩng đầu, vẻ mặt mờ mịt.
Lăng Vân Đoan cười nói: “Phản ứng chậm quá đi, tôi nói tôi phải
đi, sáng mai, sáng sớm.”
“À à,” – Lưu Ngạn lúc này mới nghe rõ, anh đã quên mất người này
chỉ quay về đây nghỉ ngơi, đã nhiều ngày như vậy rồi, cũng đã đến lúc quay về
làm việc, anh xoa xoa tay, lại muốn suy đoán, sau đó chần chừ nói: “Vậy thì…
chúc anh thuận buồm xuôi gió?”
Sáng hôm sau, quả nhiên không thấy y xuất hiện. Lưu Ngạn rong ruổi
trên chiếc xe ba bánh, len lỏi vào các ngõ ngách nhỏ, phát hiện chiếc xe hơi
màu đen vẫn đỗ dưới lầu cũng không thấy, điều này cho thấy Lăng Vân Đoan thực
sự đã đi rồi.
Anh dừng lại ở dưới lầu một chút, lắc đầu cười cười, người như thế
không thuộc về nơi này.
Nhưng trong lòng anh lại có thêm vài phần cô đơn. Cuối cùng thì,
Lăng Vân Đoan cũng không biết hai người họ đã từng học cùng nhau, không biết có
người đứng sau nhìn y suốt sáu năm.
Trời càng lúc càng lạnh. Mỗi sáng thức dậy thấy đống rơm trong sân
bị một tầng sương mù che phủ, nóc nhà đối diện cũng chìm trong màn sương trắng.
Lưu Ngạn lục lọi trong nhà, tìm ra một cái quần dầy đặt xuống giường,
để Lưu Tư Bách ngủ dậy mặc.Bản thân anh cũng mặc mấy lớp áo, bên ngoài thêm một
cái áo khoác lông, thế mới có cảm giác ấm áp.
Trời lạnh nên việc buôn bán của anh cũng khá hơn. Trong thời tiết
thế này, nằm trên ghế dài trước nhà sưởi nắng, ủ tay bằng một bát vằn thắn nóng
hổi, là điều tuyệt vời nhất.
Lưu Ngạn một tay đẩy xe, một tay đưa lên miệng hà hơi cho ấm,
trong lòng thầm tính toán nên mua cho con trai một đôi găng tay, hôm nay trời
lạnh đến mức cảm giác ngón tay cũng đông cứng lại hết rồi.
Dừng xe ở ngoài chợ rau, anh đi vào lấy hàng, thuận tiện nhìn xem
hôm nay mẹ mình buôn bán thế nào.
Trước đó mấy hôm cả nhà đã thu hoạch khoai lang, ngoài một ít để
dành nhà mình ăn, số còn lại đều được Hứa Xuân Anh đem chưng chín, lại nhờ chị
dâu Lưu Ngạn đến xắt lát cùng, nhân dịp mấy ngày trời nắng, đem phơi thật khô
rồi mang đi bán.
Mấy thứ đồ khô nhà anh làm độ mềm dẻo vừa phải, còn rất tiện lợi,
chỉ hai đồng một cân. Hơn nữa nhà anh buôn bán lương thiện, không bao giờ làm
ra chuyện cân điêu cho người khác, cứ một cân khoai lang khô thì đóng thành một
túi, bởi vậy khoai lang Hứa Xuân Anh làm luôn trong tình trạng cung không đủ
cầu, mới sáng sớm mà đã bán được hai mấy cân.
Khi Lưu Ngạn đến nơi, Hứa Xuân Anh đã bán gần hết rồi, đang nói
chuyện phiếm với bà lão bán trứng gà ở bên cạnh.
“Mẹ, hôm nay thế nào?”
“Thằng thứ hai nhà tôi đấy, bán xong rồi con ạ, hôm nay có người
mua chục cân, còn dặn mẹ là làm thêm chục cân nữa.” – Hứa Xuân Anh vui mừng thu
dọn rổ rá, quay sang bà lão bên cạnh – “Chào chị, tôi đi trước đây.”
Vài ngày nữa là đến đông chí, theo tập tục của nơi này, đông chí
sẽ làm bánh trôi, ăn bánh trôi rồi mới được tính là thêm một tuổi, không ăn
không thể lớn.
Lưu Vĩ cho Lưu Ngạn mười cân gạo nếp, anh lấy ra hai cân nấu cơm
nếp, ba cân đem xay bột, còn lại đem gói vào bao cất đi để sang năm dùng.
Ngoài bánh trôi, nơi này còn có một món bánh đặc sắc ăn vào dịp
đông chí, gọi là bánh nếp. Bánh nếp được làm rất đơn giản, cũng không khác bánh
trôi là mấy. Dùng bột gạo nếp nhồi nặn thành hình tròn, to gấp hai lần bánh
trôi, thả vào nồi luộc chín, sau đó lại lăn qua phấn liêu, sẽ được bánh nếp vừa
thơm vừa mềm. Phấn liêu được làm từ đậu tương chín nghiền nhỏ, trộn thêm đường
mía.
Lúc này nhà nào cũng rang đậu tương, lũ trẻ con nhân lúc đậu tương
còn nóng, nhanh tay bốc một nắm, sẽ có được một món đồ ăn vặt vừa giòn vừa
thơm, cắn lách chách, chỉ có mấy ông bà già là kêu đau răng.
Qua đông chí có nghĩa là năm mới sắp đến.
Tuyết đã rơi từ lúc nào, không lớn, chỉ vài bông bay nhẹ trong gió,
kết thành một lớp băng mỏng trên mặt đường.
Có đứa nhỏ nhà nào đạp xe đến trường, do băng trơn trượt nên bị
ngã gãy tay, Lưu Ngạn nghe xong liền đem chiếc xe đạp cũ kỹ của Lưu Tư Bách
kiểm tra hết lại một lần, chỉnh lại phanh, xích, nhưng có thế vẫn không thể yên
tâm được. Cuối cùng Lưu Tư Bách phải để anh đưa ra đến đường lớn, mới khiến anh
yên tâm hơn.
Qua hai mươi tháng chạp, trường học bắt đầu cho học sinh nghỉ, Lưu
Ngạn cũng bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị các thứ cho Tết.
Trẻ con là vui nhất, không cần đi học, đồ ăn vặt trong nhà nhiều,
còn được mua quần áo mới.
Lưu Ngạn đưa Lưu Tư Bách lên trấn mua quần áo, lại mua thêm một
cái cặp sách, đang chuẩn bị đi về, anh thấy trong tủ kính bày một đôi giày da,
liền dừng lại.
“Ông chủ, phiền ông cho tôi xem đôi giày kia được không.”
Cầm đôi giày trên tay, Lưu Ngạn đưa cho Lưu Tư Bách: “Thử xem
nào.”
Hai mắt cậu nhóc sáng lên, hiển nhiên là rất thích, khi đi vào
chân quả nhiên là khác biệt, cho dù là trên người chỉ mặc quần áo cũ, cũng
không ngăn cản đôi giày da kia biểu hiện ra nó không giống người thường.
Lưu Ngạn cũng thích, thỉnh thoảng anh cũng thấy một vài đứa nhỏ đi
giày da đến trường, cũng muốn con trai mình có được đôi giày đẹp như thế.
“Ông chủ, đôi này bao nhiêu?”
“Đôi này à, da xịn đấy, không rẻ đâu, một trăm hai mươi đồng,
không thể bớt được.”
Một trăm hai một đôi giày, quả là quá quý, toàn bộ quần áo mua
trước đó cũng chỉ có chín lăm đồng mà thôi.
Lưu Tư Bách ngắm nghía một hồi, tuy cũng thích nhưng cậu nhóc
nhanh chóng cởi ra, Lưu Ngạn còn chưa kịp nói gì, cậu nhóc đã đưa đôi giày cho
ông chủ: “Chúng cháu không cần.”
Nói xong liền túm tay cha mình lôi đi, ông chủ hàng liền gọi với
theo: “Đừng vội, còn có loại khác rẻ hơn mà. Cứ xem hàng đi! Cậu xem thử đôi
này xem, cũng là giày da, nhưng không phải da thật, đôi này chỉ có sáu mươi
đồng thôi.”
Lưu Ngạn quay đầu nhìn thoáng qua, tuy đều là giày da, nhưng đôi
này so với đôi vừa rồi kém xa, nước da xỉn màu, thô ráp, so với đôi trước quả
là một trời một vực. Lưu Tư Bách túm chặt tay anh, cố sống cố chết lôi anh đi,
vừa lôi vừa nói: “Bố, đi thôi, con không thích cái đó.”
Lưu Ngạn cười cười kéo cậu nhóc về, nói với ông chủ cửa hàng: “Ông
chủ, đôi giày vừa rồi có thể giảm giá một chút không? Nếu không cho dù tôi có
muốn thì thằng nhóc này cũng không chịu.”
Ông chủ cũng sợ hai người bỏ đi, liền nói rõ ràng: “Được rồi, vậy
cậu trả bao nhiêu?”
“Một trăm đồng, có được không?”
“Trăm mốt.”
“Không được, chỉ một trăm thôi.”
Ông chủ thấy Lưu Tư Bách lại có xu thế kéo người đi, liền phất
tay: “Được rồi được rồi. Một trăm thì một trăm, từ trước tới giờ tôi chưa bán
cho ai đến thế đâu nhá, coi như là thiếu nhau một cái nhân tình, sau này nhớ
tới đây ủng hộ.”
“Được, nhất định sẽ đến.”
Trên đường về, Lưu Tư Bách ôm túi giày, oán giận nói với Lưu Ngạn:
“Bố ơi, cái này đắt lắm.”
Lưu Ngạn nhìn cậu con trai, cười nói: “Nhưng bố thích, cứ để bố
mua.”
Hai người vào sân, Hứa Xuân Anh đang ngồi trước cửa phơi chỗ bột
gạo nếp còn thừa từ đông chí, nhìn thấy túi giày trong tay Lưu Tư Bách, híp mắt
cười hỏi: “Mua cái gì thế? Có túi đẹp như vậy, mau đưa bà nội xem với nào.”
Lưu Tư Bách ngoan ngoãn đưa cho bà xem.
“Ai cha!Đôi giày thật đẹp, còn đẹp hơn cả giày vải bông, chắc là
đắt lắm.”
Lưu Tư Bách đang định nói, thì bị Lưu Ngạn cướp lời: “Cũng được,
mất có năm mươi đồng, không phải là da thật đâu mẹ.”
“Những năm mươi đồng cơ à, cũng không rẻ nhỉ.”
Lưu Ngạn cười nói: “Mỗi năm có một cái Tết mà mẹ, bình thường cũng
không dám mua.”
Hứa Xuân Anh gật gật, rồi quay sang nhìn Lưu Ngạn: “Con thì sao?
Tết đến mà cũng không mua đồ mới?”
“Con không cần mẹ ạ. Con có phải trẻ con nữa đâu. Mà quần áo của
con cũng còn nhiều lắm, chất đầy cả tủ.”
Hứa Xuân Anh thở dài: “Quần áo của con bao nhiêu năm rồi không mua
mới, lục cả tủ lên cũng chả tìm được cái nào hợp thời, mấy năm nay con lại tằn
tiện, cứ thế này thì….. Haiz… thôi, không nói nữa, chuyện năm cũ thì cứ để cho
nó qua đi.”
Lúc hai cha con ăn cơm trưa, Lưu Tư Bách cứ nhấp nhổm, muốn nói gì
đó mà lại không dám nói, Lưu Ngạn buồn cười hỏi: “Con sao thế? Có chuyện gì
muốn nói thì cứ nói, cứ ấp úng mãi.”
Lưu Tư Bách buông đũa, nhìn anh: “Bố, hôm nay bố nói dối.”
Lưu Ngạn giật mình, nhớ tới chuyện buổi sáng, vươn tay qua bàn khẽ
xoa xoa đầu con trai, hỏi ngược lại: “Ý con là nói dối bà nội đúng không? Con
trai, có những lúc con không thể nói thật, ví dụ như hôm nay chẳng hạn, nếu bà
nội biết đôi giày kia một trăm đồng thì sẽ thế nào?”
Lưu Tư Bách nghĩ nghĩ: “Nhất định bà sẽ nhảy dựng lên, sau đó nói
bố tiêu hoang, không biết tiết kiệm, có khi còn nói cả sang năm mới nữa.”
Lưu Ngạn tỏ vẻ đồng ý: “Đúng vậy.” – Kỳ thật anh sợ nhất là mẹ anh
lại nhắc lại chuyện cũ, sau đó muốn anh tìm một người vợ mới…. Anh cũng không
quên lần trước đã khiến con trai anh đau lòng chạy ra bờ sông cạnh chùa Kim
Sơn, nếu hôm nay lại như thế nữa, e là trái tim già nua của anh không thể chịu
đựng được.
Rồi anh dùng tư thế uy nghiêm nhắc nhở con trai: “Bố biết chừng
mực, cái gì nên nói, cái gì không nên nói, cho nên mới dám nói dối. Con còn
nhỏ, không nên làm thế, nếu bố phát hiện con làm chuyện xấu gì, nhất định sẽ
đánh nát mông con.”
Lưu Tư Bách lè lưỡi: “Con biết rồi.”
Lưu Ngạn ăn một miếng cơm, lại nhắc nhở tiếp: “Đúng rồi, không cần
đi giày sang khoe khoang với anh Tiểu Bằng, anh nó ngoan ngoãn lắm, đừng có bắt
nạt anh.”
Lưu Tư Bách đặt bát cơm xuống, tức giận nói: “Con cũng ngoan mà,
con không bắt nạt anh ý!”
“Bố biết, bố biết. Đương nhiên con cũng ngoan, nhưng anh Tiểu Bằng
rất hiền lành, chuyện gì cũng giúp đỡ con, con cũng phải giúp đỡ anh nó, hai anh
em quan tâm nhau, đừng để cho người ngoài bắt nạt, biết chưa?”
“Vâng ạ.” – Lưu Tư Bách tính toán trong lòng, lần trước Trần Tiểu
Uy bắt nạt cậu, bị Lưu Tư Bằng đánh cho chạy tóe khói, chỉ dựa vào đó cũng phải
đối xử tốt với anh ấy, cùng lắm thì lần sau không lừa ná của anh ấy, không chê
anh viết chữ xấu.
8 – Cuộc sống luôn tràn ngập bất ngờ
Mặc dù trong gần nửa cuộc đời mình Lăng Vân Đoan phần lớn là sống
một mình, như sự thật y là người ghét sự cô độc.
Không ai có thể tưởng tượng y khát vọng có một gia đìnhthuộc về
chính mình như thế nào. Y từng nghe người ta nói có người thân và nhà thế là
thành một gia đình rồi. Y không có người thân, vì thế y vọng tưởng có thể dùng
nhà ở để bù lại phần còn thiếu, cho nên y cuồng nhiệt mua nhà, rồi tưởng tượng rằng
người thân của y đã rời khỏi căn nhà đó. Y cũng không ở cố định trong một căn
nhà nào cả, cứ chuyển nhà liên tục. Y biến việc này thành một trò chơi, trò
chơi tìm kiếm người thân trong những căn nhà đó. Trong tưởng tượng của y, người
thân của y đang chơi trốn tìm cùng y, địa điểm là trong các căn nhà mà y có,
trong tiềm thức của bản thân, y luôn tin tưởng có một ngày y sẽ tìm được họ
trong một căn nhà nào đó, chấm dứt trò chơi kéo dài gần như vô vọng này.
Cho dù y có khát cầu gia đình nhiều đến đâu đi nữa, y không hề có
một chút khát vọng hay chờ mong gì với Lăng gia, gia đình đã bỏ rơi y ba mươi
năm qua.
Với y, người của Lăng gia là sự tồn tại của những người xa lạ, y
nói rõ là y không hề oán giận, tóm lại là không muốn có bất cứ điều gì dính
dáng đến họ cả. Tựa như chỉ cần nhìn thấy họ, y sẽ lại nhìn thấy khoảng thời
gian bao nhiêu năm bị bỏ rơi kia bi ai thế nào, cái cảm giác khó khăn này như
muốn vùng lên, khiến cho cả người y run rẩy.
Nhưng đây là do y tình nguyện, y hi vọng có thể trốn tránh cả đời,
nhưng cuộc đời đôi lúc lại không như hắn mong muốn. Từ trấn Bình Giang
trở về, số lần mẹ y gọi điện tăng lên rõ rệt so với lúc trước, bà
cho rằng đã tìm được chìa khóa để mở cánh cửa nội tâm của đứa con trai quật
cường này, mỗi lần gọi điện đều không ngừng nhắc tới bà ngoại, với mong muốn có
thể lay động được y. Bà cứ kể đi kể lại một vài sự kiện nào đó, có mấy lần bà
có cảm giác mơ hồ là mình đã thành công.
Lăng Vân Đoan cau mày, đổi điện thoại từ phải sang trái, tay vẫn
không ngừng ký tên lên mấy văn bản, trong điện thoại, Vinh Thuận Mẫn đang kể
những chuyện cực khổ thời niên thiếu của bà lần thứ ba.
“…..Năm đó mất mùa, khắp nơi đều là người dân chết đói, ông ngoại
con cố gằng mới kiếm được một chút lương thực, trên đường về gặp cướp, còn bị
đánh nữa. Lúc ông về đến nhà cả đầu đầy máu, khiến mẹ với cậu con sợ chết
khiếp, vừa đói vừa sợ, chỉ biết khóc. Cả nhà chỉ còn bà ngoại con là bình tĩnh,
bà không nói gì hết, xăm xăm trèo lên cây hòe cổ thụ trong vườn, đập cho hoa
rụng xuống để chúng ta nhặt. Phải biết là bà ngoại con bó chân, phụ nữ nhà
người ta đi đường cũng xiêu vẹo, bà ngoại con thì ngược lại, giỏi giang tháo
vát, thế mới có thể nuôi sống được cả nhà…. Sau đó mẹ lấy bố con, cuộc sống mới
khá lên được, lại bị mười năm náo động, nếu không có bà ngoại chăm sóc ba chị
em con, cả nhà chúng ta chỉ sợ đã tan nát rồi, giờ mọi chuyện đều đã tốt đẹp,
mà bà lại….. Vân Đoan à, con có rảnh thì về nhà chút đi,
bố con cũng yếu rồi, sang năm chắc cũng xin về hưu, ông ấy vẫn
nhắc con suốt, có ba đứa con thì chỉ mình con lẻ loi bên ngoài, về nhà cũng
không kịp ngồi ăn miếng cơm, khiến bố mẹ đau lòng lắm…. Lần trước mẹ cũng nói
với con chuyện con gái chú Lý rồi đấy, con bé mới về nước năm kia, vừa xinh đẹp
lại vừa có học thức, giờ đang làm bác sỹ cho bệnh viện của quân đội, ít hơn con
có vài tuổi, con bé tốt lắm, có rảnh thì con gặp mặt đi, sang năm là ba mươi tư
rồi, cứ ở một mình như vậy không ổn lắm, nếu con không thích thì mẹ giới thiệu
cho con đám khác, kiểu gì cũng tìm được người thích hợp, con thu xếp thời
gian…..”
“Mẹ, con phải đi họp bây giờ, để lần sau mẹ con mình nói chuyện
tiếp.” – Y không đợi cho bên kia kịp phản ứng, nhanh chóng cúp máy. Một tiếng
mẹ kia với y đã là cực hạn, một chữ vô cùng đơn giản, mà sau ba mươi năm đi học
y mới có cơ hội nói ra, cảm giác cũng không được thoải mái lắm, giống như là bị
dị ứng vậy, mỗi lần gọi là mỗi lần khó chịu, mãi cũng không thể quen được.
Ngoài cửa sổ không biết tuyết rơi từ khi nào, những bông tuyết
lặng lẽ bay bay trong không khí, càng lúc càng nhiều.
Vì ở phương Nam
nên thỉnh thoảng mới có một trận tuyết nhỏ, với thành phần tri thức ở đô thị
này thì tuyết rơi có thể xem là một nét điểm xuyết thêm cho phong thái mùa đông
ở đây, hoàn toàn bất đồng với những trận tuyết mạnh mẽ như mãnh thú ở phương
Bắc.
Lăng Vân Đoan đứng bên cửa sổ, kinh ngạc nhìn bầu trời âm u đang
không ngừng rắc những đóa hoa trắng xuống mặt đất.
Đã gần năm giờ, y có thể thấy nhiều người lục tục ra về. Mọi người
đều nhìn bầu trời một cái, sau đó cúi đầu nhanh chóng đi về phía trạm xe, họ
vội vã về nhà, về nơi có người chờ đợi họ cùng với những món ăn nóng hổi.
Lăng Vân Đoan lái xe lòng vòng trên đường, vô thức liếc nhìn những
cửa hàng hai bên, cho đến khi có ba chữ “Tiểu vằn thắn” đập vào mắt.
Đó là một quán ăn nhanh kiểu Trung Quốc, bày bán chủ yếu là một
vài món mì dễ làm.
Lăng Vân Đoan dừng xe, đột nhiên y dừng lại một giây, tự hỏi mình,
thật sự là muốn ăn vằn thắn sao?
Giây tiếp theo, y đẩy cửa xe ra bước xuống.
Hiện đang là giờ ăn tối nên trong quán khá nhiều người, đây là một
quán ăn giá cả phải chăng, nên đến ăn phần lớn đều là người lao động bậc trung,
người lái xe đến như y quả là hiếm có.
Quán ăn được chia làm hai nửa, ngăn cách bởi một dãy quầy có cửa
sổ, phía trước kê bàn ăn, phía sau quầy là nơi nấu nướng. Mùi dầu mùi khói ám
đầy quán, cảm giác cả bàn ăn trong quán cũng dính dầu mỡ.
Lăng Vân Đoan do dự một lúc, đang định đi ra, thì cậu nhân viên ở
quầy lại hỏi: “Quý khách muốn ăn món gì ạ? Mời quý khách đến bên này lấy
phiếu.”
Y chần chừ một lúc, cuối cùng vẫn bước đến: “Một phần vằn thắn.”
“Vằn thắn là năm đồng, ngài cầm lấy phiếu này đến cửa sổ bên kia
ạ.”
Đưa phiếu vào trong, chỉ một lát đã có một phần vằn thắn đưa ra.
Lăng Vân Đoan uống một ngụm canh, hơi nhăn mày, lại gắp một cái
vằn thắn cắn một miếng, nhai mãi mới nuốt được xuống, còn nửa miếng mà không
thể nào đưa vào miệng được.
Canh không đậm đà, thiếu một chút vị, rong biển thì như bị mốc,
cho quá nhiều hạt tiêu….
Y buông thìa, cười khổ.
Y vẫn cho là vằn thắn nào cũng giống nhau, thật là buồn cười.
Thời gian khác nhau, địa điểm khác nhau, hành động sao có thể
giống nhau được chứ? Điều này cũng giống như mẹ y mấy năm nay đều cố gắng
thuyết phục y về nhà, nếu như là lúc trước, y chắc chắn sẽ rất vui vẻ trở về,
nhưng hôm nay không đúng thời gian, không đúng địa điểm, ngay cả người cũng đã
không còn là đứa nhóc ngày trước, vậy kết quả sao có thể giống nhau được chứ?
————-
Lưu Ngạn có một kế hoạch, đã ấp ủ rất nhiều năm rồi, nhưng anh
chưa hề nói cho ai biết.
Từ khi Lưu Tư Bách bắt đầu đi học, Lưu Ngạn đến ngân hàng trên
trấn mở hai tài khoản tiết kiệm, hai cái đều đăng ký tên của anh.
Cứ đến cuối năm, anh lại đem tiền lời lãi tính toán lại một lần,
để lại một phần để chi tiêu trong nhà, còn lại chia làm hai, gửi vào hai tài
khoản.
Hai tài khoản này dành cho hai nguyện vọng lớn nhất trong đời của
Lưu Ngạn.
Nguyện vọng của Lưu Ngạn kỳ thật cũng đơn giản, cái thứ nhất là
Lưu Tư Bách được đi học đại học, cái thứ hai là mở một quán ăn nhỏ bán vằn thắn
trên trấn.
Hiện giờ Lưu Tư Bách đã học lớp bốn, tài khoản cũng đã được bốn
năm, tuy vẫn chưa có được nhiều nhưng mỗi lần lén lút lấy sổ tiết kiệm ra nhìn
một chút, Lưu Ngạn lại thấy có một niềm vui nho nhỏ dâng lên trong lòng, giống
như là con trai anh đã tốt nghiệp đại học, còn anh cũng không cần ngày ngày đạp
xe đi bán vằn thắn rong nữa, chỉ cần ngồi trong quán ăn, chờ khách đến là được.
Đương nhiên là ngày hai ước nguyện kia hoàn thành còn xa lắm,
nhưng cũng không thể ngăn cản được khát khao của Lưu Ngạn.
Hôm nay Lưu Tư Bách đến trường lấy phiếu điểm, buổi sáng đi chợ
Lưu Ngạn mua thêm một con cá, chuẩn bị khao cái người đứng thứ nhất kia.
Nhưng mà đến khi nấu nướng xong xuôi, anh ngồi chờ mãi mà không
thấy con trai về.
Lưu Ngạn thầm nghĩ, không phải là thằng nhỏ này không được thứ
nhất nên mới không dám về nhà đấy chứ? Sẽ không phải thật chứ, tuy rằng bình
thường khi không được đứng thứ nhất, Lưu Tư Bách cũng sẽ lén lút chui vào một
góc nào đó mà khóc, nhưng đến mức mà không dám về nhà thì chưa từng có.
Chẳng lẽ đến vị trí thứ hai cũng không được? Lưu Ngạn giật mình vì
suy nghĩ ấy, cái này là đả kích quá lớn, sợ thằng nhóc này không chịu đựng nổi!
Càng nghĩ càng thêm sốt ruột, không được, anh cảm thấy mình không
thể kiên nhẫn ngồi ở nhà nữa, liền đứng dậy đi tìm con trai.
Vừa ra khỏi cửa, anh đã bị bố anh gọi lại: “Này, thằng hai! Đã đến
giờ cơm rồi còn muốn đi đâu?”
Lưu Ngạn không dừng bước, vừa chạy vừa trả lời: “Tiểu Bách vẫn
chưa về, con đi tìm xem.”
“Sao lại thế? Này, thằng hai, thằng hai?!… Cái thằng này, có gì thì
cũng phải nói rõ ràng chứ, làm cho người ta lo lắng! A , Tiểu Bằng, chú cháu
vừa mới ra ngoài, bảo là Tiểu Bách vẫn chưa về nhà, cháu cũng đi xem có chuyện
gì.”
“Vâng ạ!” – Lưu Tư Bằng ném cây gỗ xuống, hai tay chùi qua vào vạt
áo, nhanh chóng chạy đi.
Lưu Ngạn đi trên đường càng lúc càng thêm lo lắng, đã sắp ra khỏi
thôn rồi mà còn không thấy bóng dáng cậu nhóc đâu. Rốt cuộc là nó trốn ở đâu
chứ! Cái thằng này, mình mà tìm được nó thì kiểu gì cũng phải đánh cho mấy cái,
ai lại để người lớn lo lắng như thế cơ chứ!
Lưu Ngạn giận dữ nghĩ trong lòng, nhưng hai tay đã phát run.
Anh chạy lên đường lên trấn, định đến trường học hỏi một chút, có
khi là bị thầy giáo giữ lại, hoặc là mải chơi với bạn quên mất thời gian, dù
sao nó cũng còn nhỏ, cũng sẽ có lúc ham chơi. Anh tự thuyết phục bản thân.
Đột nhiên anh nghe thấy có tiếng nức nở nho nhỏ ở phía đống rơm,
anh cứ nghĩ là mình bị ảo giác.
“Bố ơi…”
Giờ thì anh đã nghe rõ, chính là giọng Lưu Tư Bách. Cậu nhóc ngồi
thu lu dưới chân đống rơm, giọng nói có chút khàn khàn, hai mắt đỏ hoe.
Lưu Ngạn tựa hồ có thể nghe thấy tiếng trái tim mình đập mạnh
trong ngực, mặc kệ ý định ban đầu sẽ phạt thằng bé thế nào, hiện tại anh chỉ
nghĩ không có việc gì là tốt rồi, bình an là tốt rồi.
Nhưng mà tâm tình anh chưa kịp thả lỏng, đã lại căng lên.
Trên mặt Lưu Tư Bách là một vết trầy dài, khuôn mặt trắng nõn lấm
tấm vài vệt máu, thoạt nhìn rất dọa người.
“Làm sao thế này? Sao lại thế này?!” – Lưu Ngạn nghe thấy âm thanh
của mình run rẩy, đây là bảo bối của anh, là bảo bối anh vất vả nuôi dưỡng chăm
sóc, bình thường anh cũng không nỡ dùng một đầu ngón tay chạm vào, vậy mà giờ
nhìn khuôn mặt con trai như vậy, anh cảm giác như có hàng trăm lưỡi dao cắt xé
trong lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét